Nhiều khu nhà chung cư, tập thể cũ hay các nhà cao tầng với lối thiết kế kiểu “Chuồng cọp” đã vô tình làm bịt lối thoát nạn khi xảy ra hỏa gây ra nhiều cái chết oan uổng nhưng dường như nhiều người vẫn không mấy quan tâm tới vấn đề này…
Hình ảnh những khu nhà chung cư, tập thể cũ hay các ngôi nhà cao tầng có “chuồng cọp” đã trở nên rất quen thuộc ở Hà Nội, nhất là các chung cư cũ. Người dân cơi nới, quây sắt kiên cố xung quanh để tăng diện tích ở, đảm bảo chống trộm nhưng vô tình làm bịt lại lối thoát nạn khi xảy ra hỏa hoạn. Hậu quả đã rất rõ trong một số vụ cháy xảy ra gần đây nhưng dường như nhiều người dân vẫn không mấy quan tâm tới vấn đề này…
Cái “bẫy” chết người
Để đủ chỗ cho 4 nhân khẩu, gia đình bà Ngô Thị Hòa (sống tại Khu tập thể Vĩnh Hồ, phường Thinh Quang, Đống Đa, Hà Nội) phải cơi nới căn hộ 38m2 ở tầng 2, KTTA2 thêm 1 “phòng” 9 mét vuông . Từ ban công sau nhà, một chuồng cọp được lua ra, quây tôn trở thành phòng ngủ cho hai cô con gái.
“Biết là sẽ rất ngột ngạt vào những ngày nắng nóng nhưng đây là cách duy nhất để đủ chỗ sinh hoạt cho cả gia đình. Gia đình tôi ở đây bao năm nay chưa thấy nguy hiểm gì. Ở khu này, nhà nào cũng cơi nới thêm một phòng ngủ hoặc làm nơi nấu nướng. Nhà tôi cơi nới còn ít, nhiều hộ còn cơi nới cả mặt trước lẫn mặt sau” – bà Hòa cho biết.

CHUỒNG CỌP TẠI CÁC CHUNG CƯ CŨ CÓ THỂ “BỊT” ĐƯỜNG SỐNG CỦA NGƯỜI DÂN NẾU XẢY RA HỎA HOẠN
Theo lời bà Hòa, đi dọc các khu tập thể cũ ở Vĩnh Hồ, hầu hết các nhà đều có “chuồng cọp” làm bếp, nơi phơi, phóng thậm chí là chỗ để xe. Cá biệt, có những căn hộ được cơi nới làm 2 chuồng cọp, ngoài ban công sau nhà được đua ra; từ hành lang chung hắt về trước, các hộ dân cũng lắp thêm khung sắt, quây vật liệu thành một căn phòng riêng.
Đây cũng là thực trạng diễn ra ở các căn hộ ở những khu chung cư cũ như khu Thành Công, Đền Lừ, Bách Khoa, Tôn Thất Tùng, Trung Tự… Thậm chí tại khu tái định cư Nam Trung Yên hay các tòa nhà phục vụ tái định cư trên phố Tạ Quang Bửu, dù mới hoàn thành năm 2003 nhưng toàn bộ ban công các căn hộ cũng đã bị quây kín bởi các thanh sắt. Vào mỗi dịp nắng nóng, những căn hộ này lại càng thêm chật chội và bức bối. Với “hệ thống” các chuồng cọp bao quanh các dãy nhà, nhìn từ xa, các khu tập thể cũ như đang “oằn mình” gánh những “chuồng cọp”, “lồng chim”…
Điều khiến nhiều người chứng kiến không khỏi rùng mình là bên cạnh sự xuống cấp thì hầu hết các khu tập thể cũ đều nằm trong những con ngõ nhỏ, xe cứu hỏa không thể vào được tới nơi. Nếu hỏa hoạn xảy ra, những căn hộ này chẳng khác gì những… “lò thiêu”.
Cách đây không lâu, vụ cháy ở phố Vọng, phường Đồng Tâm (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) đã lấy đi sinh mạng của 2 mẹ con trong căn hộ tầng 3 của ngôi nhà 4 tầng. Theo đại diện Phòng Cảnh sát Phòng cháy và chữa cháy số 1 (Cảnh sát Phòng cháy và chữa cháy Hà Nội), các tầng 2, 3, 4 của căn nhà này hàn “chuồng cọp” bịt kín phía ngoài ban công. Các “chuồng cọp” được hàn bằng sắt kiên cố, bịt hoàn toàn các lối thoát hiểm phía ban công, nạn nhân bị mắc kẹt bên trong không thể thoát ra ngoài, công tác cứu hộ cứu nạn gặp nhiều khó khăn.
Trước đó, một vụ cháy khác xảy ra tại ngôi nhà 3 tầng, ngõ 205 đường Xuân Đỉnh (P.Xuân Đỉnh, quận Bắc Từ Liêm) khiến cả một gia đình tử vong. Thời điểm đó, cả 4 người trong nhà đều phát hiện cháy nhưng không thể thoát ra ngoài, do mặt tiền tầng 2, 3 không có lối thoát hiểm. Cửa sổ được hàn song sắt kiên cố. Lối lên tầng tum cũng bị khóa chặt. Hàng xóm đã nỗ lực phá cửa chính để cứu các nạn nhân nhưng bất thành. Khi lực lượng Cảnh sát chữa cháy đến ứng cứu thì cả 4 người đã tử vong do ngạt khói.
Thuốc nào chữa căn bệnh cố hữu?
Dù tiềm ẩn nhiều nguy cơ cháy nổ song “chuồng cọp” vẫn giăng khắp lối Thủ đô. Người dân thì vẫn mặc nhiên xem những “chuồng cọp, lồng chim” 10-12m2 là biện pháp tăng không gian sử dụng đất ở “hiếm khó khó tìm” giữa mảnh đất” thủ đô “đất chật người đông”. Nhiều người dân cũng có những lý giải khác cho hiện tượng này đó là làm “chuồng cọp” để chống trộm ở những hộ tầng thấp, còn những hộ tầng cao thì biện bạch làm để đảm bảo an toàn cho trẻ nhỏ.
Theo Đại tá Nguyễn Ngọc Châu – Trưởng phòng Phòng Cảnh sát PCCC số 8 (Cảnh sát PCCC Hà Nội): Xu hướng “phòng trộm mà quên phòng cháy” diễn ra ở nhiều khu tập thể, thậm chí chung cư mới, nhà cao tầng. Do gia cố vật liệu kiên cố vào cửa sổ, ban công nhưng lại không có một thiết kế chuẩn, những nhà cao tầng và khu tập thể này không có lối thoát ngoại trừ cửa chính, vì thế rất nguy hiểm. Khi cháy nổ xảy ra, lực lượng PCCC tiếp cận hiện trường để cứu người rất khó khăn. Những nhà xây dựng dạng này hầu như chỉ có lối cầu thang trong nhà là lối đi duy nhất. Vì thế phương thức tối ưu nhất của lực lượng PCCC là phải cắt dỡ những lồng sắt để mở đường cứu nạn nhân ra ngoài. Tuy nhiên, trong tình thế “ngàn cân treo sợi tóc”, thời gian cắt các lồng sắt khá lâu dẫn tới không kịp cứu người.
“Năm ngoái, chúng tôi đã đề xuất, hiến kế để phần nào giảm bớt nguy cơ tiềm ẩn của những “chuồng cọp”. Cụ thể, hai quận Thanh Xuân và quận Hoàng Mai đã có văn bản về đến các phường. Theo đó những nhà cao tầng xây dựng, gia cố thêm lồng sắt phải theo đúng quy chuẩn, phải có bản lề, có cửa, khi không sử dụng có thể khóa lại nhưng là lối thoát đề phòng nguy cơ cháy nổ có lối thoát ra ngoài” – đại tá Nguyễn Ngọc Châu cho biết thêm.
Theo Kiến trúc sư Nguyễn Xuân Định, Công ty Cổ phần Tư vấn Đầu tư và Xây dựng CDCC, việc tự ý cơi nới xây dựng “chuồng cọp”, lấn chiếm khoảng không vô tình kéo “nhà” gần sát với đường dây điện, dây cáp viễn thông hơn. Chỉ cần có sự cố chập điện, những vật liệu dễ cháy từ các khu chuồng cọp sẽ dễ dàng gây hỏa hoạn và hậu quả sẽ tăng thêm gấp bội bởi lực lượng phòng cháy chữa cháy không thể tiếp cận cứu người khi cửa sổ, ban công đã bị bịt kín.
Nhiều chuyên gia cũng thẳng thắn chỉ ra rằng, để xảy ra tình trạng “chuồng cọp” bủa vây chung cư tại nhiều khu đô thị như hiện nay, có trách nhiệm rất lớn của những đơn vị nắm giữ nhiệm vụ giám sát là Ban quản lý khu đô thị, chính quyền địa phương, thanh tra xây dựng… Nếu các đơn vị giám sát quản lý giám sát thường xuyên và quản lý chặt chẽ, sẽ chẳng có hộ dân nào xây dựng được “chuồng cọp. Tuy nhiên, việc xử phạt người dân “cơi nới” khu chung cư, theo một lãnh đạo thanh tra quận Đống Đa là khó bởi hiện tượng này diễn ra lâu.
Đại úy Đoàn Việt Bắc, Đội trưởng Đội hướng dẫn an toàn Phòng cháy chữa cháy (Phòng cảnh sát phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ số 3- Cảnh sát PCCC Hà Nội) khuyến cáo, người dân nên chủ động mở các lối thoát hiểm ở ban công, không nên bịt kín. Nếu lỡ lắp chuồng cọp thì nên làm cửa cho chuồng cọp, ô cửa có khóa bà để chìa khóa ở nơi dễ lấy. Trong điều kiện, xảy ra hỏa hoạn, có thể thông qua các ô cửa này thoát ra ngoài bằng dây thừng. Nếu trong nhà không có dây thừng, người dân có thể dùng rèm, màn, quần áo nối với nhau để trèo xuống qua ô cửa.
Với những nhà xây dựng mới, người dân nên bố trí lối ra 50-60 phân. Các nhà dân liền kề nên bàn bạc với nhau để tạo ra các lối thoát hiểm thông thoáng ở ban công từ nhà này sang nhà khác, đề phòng trường hợp xảy ra hỏa hoạn, có thể trợ giúp nhau.
Ngoài ra để đề phòng những lúc hỏa hoạn xảy ra bất ngờ, mỗi gia đình nên trang bị một số thiết bị phòng cháy chữa cháy cơ bản như mặt nạ phòng khói khí độc HKMASK, bình xịt chống cháy NOFIRE, thang dây thoát hiểm nhà cao tầng SAFEVIETNAM….